Ngày nay, với yêu cầu công trình phải An toàn - Thích nghi - Tiện ích - Bền vững trước những tác động của dịch bệnh và thiên tai đang diễn ra rất khắc nghiệt và lan rộng, đòi hỏi nền kiến trúc Việt Nam nói chung và các yêu cầu về kiến trúc công trình nói riêng cần phải có định hướng và cách tiếp cận mới để giảm thiểu những thiệt hại về con người, tài sản trước những thảm họa về thiên tai và dịch bệnh.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0 đang trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế, quy hoạch, thi công các công trình xây dựng đã đặt ra cho những nhà quy hoạch và các kiến trúc sư phải có sự thay đổi trong xây dựng ý tưởng và lựa chọn giải pháp kiến trúc phù hợp, nhằm có được những công trình đạt tiêu chí hoàn hảo về chất lượng, hoàn mỹ về thiết kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng cao của con người.
Trước tình hình phát triển và hội nhập của đất nước cũng đặt ra cho kiến trúc Việt Nam những yêu cầu mới, như: giữ gìn bản sắc văn hóa, kế thừa, phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống; làm rõ và khẳng định những đặc trưng của kiến trúc Việt Nam; hấp thụ và tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc; đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và hòa nhập môi trường sinh thái trong xây dựng.
Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 (theo Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg, ngày 03/9/2002) là mong muốn của Đảng và Chính phủ về một nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến - đậm đà bản sắc dân tộc và là tiền đề quan trọng để xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam trong bối cảnh mới.
NHẬN DIỆN
Trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia, kiến trúc được coi là một loại hình nghệ thuật - kỹ thuật có vai trò rất quan trọng, có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội và tổ chức không gian sống của con người và xã hội. Kiến trúc vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật, sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ con người. Các công trình kiến trúc góp phần thể hiện sắc thái văn hóa riêng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu đang chi phối mạnh mẽ sự phát triển của thế giới và làm thay đổi sâu sắc quan điểm phát triển kiến trúc.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng nhiệt độ trái đất gia tăng, mực nước biển trung bình tiếp tục dâng cao, thiên tai bão lụt thất thường xảy ra thường xuyên là mối nguy cơ hiện hữu đang đe dọa môi trường sống của con người trên trái đất. Trong khi đó, sự phát triển của kiến trúc chỉ biết khai thác thiên nhiên và môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững. Từ đó, nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người. Bên cạnh đó, sự biến đổi khí hậu cũng là một thách thức lớn đối với nhà quản lý Quy hoạch, đồng thời cũng là nhiệm vụ của những người làm công tác quy hoạch và kiến trúc cần xây dựng những công trình kiến trúc phù hợp để bảo đảm cho việc phát triển xã hội khi có những diễn biến thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Đề ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kiến trúc xanh được coi là mô hình lý tưởng tại các nước phát triển. Đây cũng là hướng phát triển chủ đạo của thế giới trong thế kỷ XXI. Kiến trúc xanh (Green Building, Green Architecture) đòi hỏi các giải pháp đề xuất trên 4 lĩnh vực: Giảm năng lượng sử dụng; Giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường; Giảm năng lượng và tiêu hao tài nguyên; Giảm thiểu ô nhiễm bên trong và tổn hại sức khoẻ con người. Hay nói một cách khác, kiến trúc phải thân thiện với môi trường tự nhiên, không làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của môi trường sống trên trái đất.
Theo tiêu chí về kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố, kiến trúc xanh là công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc. Trong phát triển đô thị hiện nay, một số mô hình tiến bộ, như: đô thị xanh, sinh thái, đô thị thông minh, đô thị cần được tạo dựng tính thích ứng để có thể phát triển bền vững... cùng với việc coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm mục đích nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, đang là xu hướng chung các đô thị và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của các chuyên gia và doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng. Số hóa ngành Xây dựng ngày nay là một trong những cơ hội lớn nhất cho các nhà đầu tư, thu hút sự chú ý toàn cầu của các nhà quản lý, nhà làm chính sách và các chuyên gia quy hoạch đô thị, kiến trúc và là một trong những lĩnh vực có thể tác động đến tương lai của nhân loại.
Internet vạn vật (IoT), thiết kế tái tạo và tham số, trí tuệ nhân tạo, robot, in 3D, dữ liệu lớn và thực tế ảo... là một số công cụ mới có thể làm thay đổi suy nghĩ của kiến trúc sư khi thiết kế và xây dựng các thành phố của tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc kiến trúc sư chấp nhận và áp dụng các công nghệ mới vào thiết kế là một xu thế tất yếu. Ngoài ra, các yếu tố như vật liệu xây dựng mới, mật độ đô thị, dữ liệu lớn (Big Data) và hành vi của con người cũng có tác động đến định hướng phát triển kiến trúc tương lai. Điều này sẽ đưa ra các thiết kế thông minh hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của con người.
Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu có tác động lên mọi mặt cuộc sống và gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến thiết kế và kiến trúc công trình và các không gian bên trong tòa nhà. Đây cùng là một yếu tố mới có ảnh hưởng và tác động tới việc thay đổi hình thái thiết kế ở một số loại công trình đặc thù như các công trình y tế, các công trình công cộng có quy diện tích lớn, có khả năng hoán đổi công năng cho phù hợp với việc ứng phó các thảm họa thiên tai, dịch bệnh. Điều này đòi hỏi kiến trúc sư cần phải chú trọng đến các không gian gắn với thiên nhiên để con người thích ứng với mọi điều kiện, đảm bảo sống tốt, bền vững, dễ dàng vượt qua những khó khăn thời dịch bệnh.
MỘT SỐ THAY ĐỔI CẦN THIẾT TRONG BỐI CẢNH MỚI
Công nghiệp 4.0 với nền kiến trúc bền vững. Thách thức chính của việc thiết kế kiến trúc và hiện đại hóa những không gian hiện có nằm ở nhu cầu thay đổi nhanh chóng của nhân loại và các công nghệ. Sự kết hợp của nhu cầu và công nghệ giúp chúng ta thiết kế một thành phố bền vững trong tương lai. Sự xuất hiện của Công nghiệp 4.0, sẽ là công cụ để tạo ra thành phố trong tương lai mà các kiến trúc sư mong muốn. Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà để thích ứng với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra, đề có được ngôi nhà an toàn hơn. Các công nghệ mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi thế và tiềm năng về hiệu quả và chất lượng, làm thay đổi cơ bản trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị. Việc làm chủ, vận dụng linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ cho phép xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ bước thiết kế cho đến khâu triển khai, xây dựng và quản lý, vận hành sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng các công nghệ mới sẽ tạo ra những hiệu quả tức thời về mặt hình ảnh (hiệu ứng thị giác), đôi khi đặt cao hơn các yếu tố công năng, khí hậu trong kiến trúc. Trong khi đó, khí hậu lại đóng một vai trò quan trọng trong kiến trúc, nó quyết định các lựa chọn về giải pháp không gian, ánh sáng, vật liệu, giải pháp kết cấu, để tạo ra các hiệu quả về nhiệt độ, thông gió, chiếu sáng, tiện nghi vi khí hậu trong công trình…, thay vào đó là các giải pháp, công nghệ, và hình ảnh thiết kế đơn điệu, thiếu kết nối với môi trường thực, từ đó dần dần đánh mất bản sắc kiến trúc mang yếu tố vùng miền... Mặt khác, công nghệ mới sẽ đòi hỏi lượng tài nguyên khổng lồ, từ đó có thể làm trầm trọng sự cạn kiệt tài nguyên và gia tăng lượng khí thải. Vì vậy kiến trúc sư phải học cách cân bằng giữa hiện tại và tương lai.
Kiến trúc xanh. Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường đến điều kiện sống con người, thì phát triển kiến trúc xanh vẫn đang là xu hướng phát triển kiến trúc trong thế kỷ 21. Ở mức độ cao hơn, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “Superlow Energy Building” hay “Zero Energy Building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng.
Các giải pháp cụ thể được đề cập khi nghiên cứu lập đô thị xanh hoặc thiết kế công trình kiến trúc xanh là sự tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên đáp ứng điều kiện vận hành của đô thị và công trình kiến trúc. Vấn đề “Kiến trúc xanh” với bất cứ tiêu chuẩn, tiêu chí nào cũng đều bắt đầu từ nhận thức khi đầu tư, bắt đầu từ khâu thiết kế và quá trình vận hành công trình. Đối với phương án thiết kế xanh việc trước tiên là nghiên cứu hiện trạng, lập được quy hoạch tổng thể bền vững cho khu đất, cho dự án. Với tiêu chí kiến trúc xanh phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống, hướng về thiên nhiên. Cần phải có sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, các vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam cần đề ra các chiến lược, chính sách, giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương và nhất là phải quy định thành luật. Cần xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại và đề cao vai trò hết sức quan trọng của kiến trúc sư trong công tác thiết kế kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các công nghệ mới cần được áp dụng một cách hiệu quả để dự đoán, mô phỏng các kịch bản rủi ro này, nhằm giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây thiệt hại. Trên cơ sở quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu áp dụng thiết kế kiến trúc khu dân cư có tính thích ứng cao với các hiện tượng thiên tai tại từng khu vực vùng miền.
Để giảm thiểu thảm họa thiên tai cần tiếp cận theo cách thích ứng với môi trường hơn là tìm cách chống lại nó. Thay vì tăng cường bảo vệ chống lại lũ lụt, cần chấp nhận thực tế mực nước biển dâng và đưa nó vào thiết kế. Công trình sẽ được thiết kế xây dựng trong khu vực an toàn, trong khi các khu vực dễ bị tổn thương trở thành vùng đệm.
Kiến trúc xanh và biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức lớn nhất của thời đại và vai trò hết sức quan trọng của kiến trúc sư đối với công tác thiết kế kiến trúc. Phát triển kiến trúc xanh vừa phù hợp với mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa - kiến trúc dân tộc, đáp ứng nếp sống của người Việt và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai, phù hợp với tình hình biến đổi toàn cầu.
Nguồn: KTS. Trần Ngọc Chính - Tạp chí Xây dựng Việt Nam (Viet Nam Journal of Construction)