Nhà cấp 4 thiết kế đậm nét kiến trúc truyền thống, sân vườn rộng với hồ sen chữa lành, Việt House, Bắc Kạn.

Thà nhà nhỏ mà ấm áp tình thân!

 Xây nhà là một trong những quyết định lớn của bất kỳ ai. Xây một nơi không chỉ để ở, mà còn là không gian sống đúng với giá trị bản thân và cả tâm tư tình cảm của những người bên trong căn nhà ấy. Khi điều kiện vật chất tới một ngưỡng gọi là “khá”, nhiều người có xu hướng xây những ngôi nhà thật to, thật hoành tráng với ý tưởng “to mới tiện nghi, mới đáng sống”. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với nhiều gia đình, mình lại nhận ra rằng: to chưa chắc đã tốt, đôi khi, nhà nhỏ nhưng được thiết kế đúng và đẹp sẽ trở nên tiện nghi và ấm cúng, lại nâng chất lượng sống cao hơn rất nhiều.

 

Vì vậy, trong bài viết này, mình muốn chia sẻ góc nhìn cá nhân, để so sánh giữa nhà nhỏ và nhà to, lý giải vì sao mình cho rằng, nếu được lựa chọn lại thì mình vẫn sẽ chọn một ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp, thế là đủ! Bởi vì nhà lớn chưa chắc tiện nghi!

Không thể phủ nhận rằng nhà to có những lợi thế rõ ràng. Trước tiên, đó là sự thoải mái trong việc bố trí phòng ốc. Gia đình có thể có thêm phòng làm việc riêng, phòng tập thể dục, phòng đọc sách, kho chứa đồ, thậm chí cả sân vườn, gara ô tô. Những buổi tụ họp, tiếp đãi bạn bè cũng diễn ra dễ dàng, ít bị hạn chế bởi diện tích. Về mặt tài sản, nhà to thường có giá trị cao, dễ dàng nâng cấp và chuyển nhượng.

Tuy nhiên, không ai nói rằng xây và ở nhà càng lớn thì càng phức tạp. Việc xây một ngôi nhà lớn không chỉ tốn kém về chi phí xây dựng, mà còn tiêu tốn rất nhiều chi phí vận hành như: tiền điện nước, bảo trì, dọn dẹp, sửa chữa... Nhiều người tưởng mình cần 5 tới 6 phòng công năng, nhưng thực tế chỉ sống và sinh hoạt ở trong 2 tới 3 phòng quen thuộc, phần còn lại hầu như bị để không. Những “phòng thừa” ấy qua một đoạn thời gian dễ biến thành những khoảng trống lạnh lẽo, không chỉ về không gian vật lý mà cả về cảm xúc.

Quan trọng hơn, nhà to đôi khi tạo ra khoảng cách giữa các thành viên. Con cái ở tầng 2, cha mẹ ở tầng 3, người cao tuổi ở tầng một, mỗi người một không gian riêng biệt. Nếu không có chủ ý tìm kiếm sự gắn kết, thì sự chia tách vật lý ấy rất dễ dẫn đến sự xa cách tinh thần. Không ít gia đình mà mình từng gặp, dù ở trong những ngôi nhà đẹp, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi, thì họ vẫn luôn tâm sự rằng họ cảm thấy... thực sự cô đơn!

 Nhà nhỏ thôi, chỉ vừa đủ nhưng gần gũi vô cùng!

Ngược lại với những ngôi nhà to lớn, một nhà nhỏ thường mang đến cảm giác ấm cúng, dễ dàng kiểm tra và thay đổi, tiết kiệm chi phí đáng kể. Với một thiết kế tốt, mỗi góc nhỏ trong nhà đều có chức năng cụ thể, không gian nào cũng được sử dụng hiệu quả. Sống trong một ngôi nhà nhỏ, mọi người có xu hướng gặp nhau nhiều hơn, tương tác với nhau thường xuyên hơn. Điều này, vô tình giúp tăng kết nối câu chuyện và cảm xúc, cải thiện mối quan hệ gia đình một cách tự nhiên.

Không chỉ thế, nhà nhỏ giúp gia chủ dễ dàng đưa sở thích cá nhân vào không gian sống. Bạn có thể đầu tư nhiều hơn vào chất lượng vật liệu và nội thất, đầu tư cho ánh sáng và cây xanh, những thứ thật sự nâng cao chất lượng sống tự nhiên thay vì phải “dát vàng, nạm ngọc” vào khoảng trống, đắp tiền vào những vật dụng không cần thiết. chưa kể việc lau dọn, sửa chữa, cải tạo cũng nhẹ nhàng và đỡ mất thời gian hơn rất nhiều.

Tất nhiên, nhà nhỏ cũng có những giới hạn và nhược điểm không thể bàn cãi. Diện tích hạn chế đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận ít phòng hơn, ít chỗ chứa hơn, và cần tư duy thiết kế thông minh để không gian không bị vụn ra. Tuy nhiên, nếu xác định rõ nhu cầu ngay từ đầu, điều này hoàn toàn có thể tính toán trước và nghĩ giải pháp cải thiện trước. Bởi vì có rất nhiều giải pháp kiến trúc và nội thất giúp không gian nhỏ vẫn thông thoáng, thoải mái và đẹp mắt.

 Mình đã đưa ra chọn lựa dựa trên nhu cầu của bản thân, chứ không chờ đợi bất kỳ ánh nhìn nào từ người khác! Từ những gì đã trải nghiệm ở cả hai dạng nhà, từng làm việc với rất nhiều người ở cả thành phố lẫn nông thôn, mình chợt nhận ra một điều là sự thoải mái trong ngôi nhà không đến từ diện tích, mà đến từ sự hòa tan cảm xúc. Cả gia đinh hoà hợp với nhau, trong đó có cả ngôi nhà đơn sơ cũng tan vào trong lối sống, tan vào thói quen sinh hoạt và cả sự sẵn sàng để chăm sóc, lo lắng cho nhau. Sự hoà hợp giữa người với người, người với nhà, đó mới là điều làm nên định nghĩa về “nhà” đầy đủ!

Có những người thực sự cần nhà to, vì gia đình ba thế hệ quá nhiều người, vì cần không gian làm việc tách biệt, vì có kế hoạch cho thuê hay mở dịch vụ ở chính nhà của mình. Nhưng cũng có rất nhiều người vì tâm lý "sợ thiếu" mà xây to quá mức cần thiết, để rồi chính họ bị chới với trong chính ngôi nhà to đùng của mình. Riêng bản thân mình thì mình chọn nhà nhỏ. Không phải vì mình không có khả năng xây lớn hơn, mà vì mình hiểu điều mình thật sự cần là gì. Riêng mình cần một không gian vừa đủ thôi, nơi gia đình gặp nhau mỗi tối mà không phải gọi qua điện thoại. Mình cần một nơi dễ dàng dọn dẹp, dễ sửa chữa, không gây áp lực lên chính bản thân. Có phải bạn cũng cần sự ấm cúng, mà không phải sự hoành tráng, hoa lệ chỉ được mỗi vẻ đẹp?

 Cuối cùng, khi nói đến “tổ ấm”, điều quan trọng nhất không phải là nó lớn bao nhiêu, cao bao nhiêu, sang trọng đến mức nào. Mà là cảm giác khi bạn bước chân về nhà. Có nơi nào khiến bạn thở phào nhẹ nhõm? Có không gian nào khiến bạn cảm thấy an toàn, gần gũi và nơi mà bạn tự do với chính mình nhất? Nếu có, đó chính là nơi bạn nên sống dù nó chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong con hẻm nhỏ, hay một căn nhà vườn mái ngói đơn sơ, khiêm tốn ở vùng ngoại ô.

Bởi vì được sống ấm áp trong một ngôi nhà nhỏ, sẽ tốt hơn hiu quạnh trong một ngôi nhà cao tầng thật lớn!

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Bài viết liên quan