Các xu hướng tổ hợp không gian trong nhà ở thấp tầng

 Việc tổ hợp các không gian trong nhà ở đồng thời phải đảm bảo tính cộng đồng của các thành viên và sự riêng tư tối thiểu của từng thành viên. Mỗi cá nhân cần có không gian riêng biệt, bảo đảm tính riêng tư và không bị người khác xâm phạm, làm phiền (sự theo dõi, tò mò, tiếng ồn, ánh sáng đèn,... không mong muốn). Tổ hợp không gian còn góp phần giúp mỗi không gian ở có số người ở thường xuyên không quá nhiều nhằm giảm tần suất sinh hoạt, khai thác các tiện nghi ở (giao tiếp, đi lại, sử dụng khu vệ sinh,...) và giảm các tác động không mong muốn giữa các thành viên khi sinh hoạt, nghỉ ngơi trong cùng một không gian hẹp và trong khoảng thời gian dài (hàng ngày hàng tháng, hàng năm).

  1. Không gian chức năng liên thông

   Trong thiết kế nhà ở hiện đại, các không gian thường bố trí xen lẫn với nhau. Điển hình nhất là không gian phòng khách và phòng ăn không có sự ngăn cách. Không chỉ trong các căn hộ chung cư mà cả với nhà phố diện tích hẹp hay biệt thự rộng lớn cũng có cách phân chia tương tự thành một không gian liên hoàn, vừa thuận tiện trong sinh hoạt lại mở rộng tối đa diện tích ngôi nhà.

   Thiết kế liên thông đã trở thành xu hướng đáp ứng nhu cầu tiện nghi hóa và tối đa hóa không gian chức năng của ngôi nhà. Sự phân chia không gian một cách vô hình qua sắp xếp đồ dùng cho phép các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp và trò chuyện với nhau khi ở trong các phòng riêng biệt. 

   Một trong những mặt lợi của không gian liên thông là khả năng kết nối trực quan các khu vực, phô diễn tất cả những nét đẹp của trang trí và sắp xếp nội thất. Tất cả những đồ dùng trong các không gian mở đều “lộ thiên” nên việc lựa chọn và sắp xếp đồ dùng nội thất đảm bảo tính thẩm mĩ là một phần vô cùng quan trọng trong việc tạo nên vẻ đẹp và tính tiện nghi của ngôi nhà.

  Hiện nay những không gian chủ yếu được thiết kế liên thông đa phần là nơi sinh hoạt mang tính chất tập trung như phòng khách và bếp ăn, phòng sinh hoạt chung và tiền sảnh. Đối với những nơi mang tính chất cá nhân như phòng ngủ hoặc phòng tắm có sự phân chia kín đáo nhằm đảm bảo sự riêng tư của người sử dụng.

   Đối với những ngôi nhà được thiết kế nhiều không gian liên thông mà gia đình vẫn muốn có sự rõ ràng trong việc phân chia chức năng sử dụng thì việc ngăn chia, theo một cách ước lệ và mang tính biểu tượng, các không gian này rất quan trọng:

   (1) Vách ngăn nhẹ được coi là một giải pháp tối ưu vừa ngăn cách không gian hiệu quả lại vẫn đảm bảo sự thông thoáng cần thiết cho ngôi nhà. Những vách ngăn này thường được bố trí giữa phòng khách và phòng ăn hoặc phòng khách và cầu thang… Ngay cả giữa phòng ngủ và phòng làm việc liền kề vẫn có thể đặt vách ngăn đơn giản bằng một chiếc kệ trang trí. Cầu thang cũng không cần xây vách mà thay bằng vách ngăn gỗ vừa để trang trí, vừa không hạn chế tầm nhìn. Về chất liệu thì khá đa dạng, vách ngăn có thể bằng (lam) gỗ, kính, nhựa,... với nhiều họa tiết bắt mắt. Cũng có thể tận dụng luôn đồ nội thất như tủ, kệ, tiêu cảnh,... có sẵn trong nhà ở;

   (2) Sàn chuyển tiếp là hai không gian sàn lát gạch, trải thảm, gỗ hoa văn khác nhau, cùng cốt hay khác cốt, tạo nên các ranh giới ảo nhằm phân biệt chức năng của các khu vực trong nhà. Khu vực sàn chuyển tiếp có tác dụng làm nổi khối cho không gian của ngôi nhà. Thay vì sử dụng những tấm tường ngăn, vách dựng, sàn chuyển tiếp giúp mọi không gian được phân chia rõ rệt mà vẫn giữ được sự thông thoáng. Cách truyền thống trong phân chia không gian là sử dụng cách nối giữa hai mép sàn theo đường thẳng, vuông vức hoặc trải thảm khác nhau tại các không gian chức năng. Tuy nhiên sàn chuyển tiếp hiện đại được lát theo xu hướng phá bỏ ranh giới, hai phần sàn được đan vào nhau, không có đường biên viền mép giữa hai khu vực bằng gạch vụn, đá hoa nhỏ hay gỗ. Ngoài ra có nhiều cách tạo điểm nhấn khác lại cho sàn chuyển tiếp bằng cách ốp gạch lục giác (tạo nên sự bất định giữa các đường nối), gạch xi măng (với sự hấp dẫn của đường nét hoa văn), sơn sàn theo khoang màu (mang lại những cảm giác khác nhau)... đã được ứng dụng vào thực tế, tạo nên sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, tự nhiên và phóng khoáng hơn.

  1. Không gian chung mở kết hợp không gian ngoài trời

   Xu hướng thiết kế các không gian chung mở đã và đang rất phổ biến, đặc biệt trong những gia đình trẻ yêu thích phong cách hiện đại. Phong cách này dễ được mọi người chấp nhận bởi sự hợp lý về công năng và thẩm mĩ.

   Một điều dễ nhận thấy ở các không gian chung mở là sử dụng vách kính lớn giúp không gian có phần rộng rãi và dễ trang trí hơn bởi KTS và gia chủ thường tìm những góc nhìn đẹp mắt nhất trong ngôi nhà cho không gian này, đó là nơi giao hòa giữa trong và ngoài, giữa không gian sống với thiên nhiên thay cho những khối bê tông dày đặc như trước đây. Đường nét không gian chung mở thường mang tính chất khỏe khoắn, tự do và phá cách thể hiện sự khoáng đạt và tâm hồn rộng mở. Màu sắc cho căn phòng thường là những gam màu nhẹ nhàng, sang trọng. Đôi khi là một vài điểm nhấn bằng màu nóng. Ánh sáng “trời cho” được điều tiết một cách chủ động bởi hệ thống rèm cửa.

   Kết nối trực tiếp với các không gian mở này là các không gian sống ngoài trời. Không gian ngoài trời đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng làm tăng giá trị một ngôi nhà, là một tính năng ngày càng phổ biến trong thiết kế nhà mới do thiết kế không gian mở đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Những lựa chọn phổ biến cho không gian sống ngoài trời được ưa chuộng có thể kể đến như tiếp khách, ăn, uống ngoài trời, bếp ngoài trời,... với những bộ bàn ghế sử dụng được ngoài trời hay những tiểu cảnh đầy màu sắc.

  1. Không gian lửng

   “Gác lửng” trước đây là một khái niệm được đánh đồng với việc tận dụng, mở rộng không gian theo chiều đứng do sự hạn chế diện tích theo chiều ngang của ngôi nhà. Hiện tại, gác lửng ngoài công năng là tăng thêm diện tích sinh hoạt, còn tạo nên các góc nhìn đẹp và giúp không gian trong nhà được chuyển tiếp, thông thoáng, tăng lưu lượng chuyển khí cho nội thất ngôi nhà. Chức năng sử dụng của tầng lửng khá đa dạng. Có thể xây lệch tầng và ở đó dùng làm nơi sinh hoạt chung hay phòng làm việc hoặc đưa phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, sinh hoạt chung… lên khu vực này. Nhờ vị trí độc đáo, tầng lửng có tầm nhìn đẹp xuống không gian phía dưới. Ngoài ra, do sự thông suốt và tính chất mở cửa tầng lửng nên khi thiết kế và trang trí, cần đảm bảo sự hài hòa với diện tích, không gian, nội thất của tầng lửng nói riêng và ngôi nhà nói chung.

   Về màu sắc, nên sử dụng màu sắc cho tầng lửng hài hòa với nội thất của ngôi nhà. Những màu sắc quá đối lập sẽ gây phản cảm, mất cân bằng trong tổng thể không gian, tạo cảm giác nặng nề. Muốn tạo điểm nhấn, có thể dùng gam màu chuyển tiếp theo tông màu chung của tầng nhưng thông thường, các gia đình lựa chọn tông nhạt để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

   Về nội thất, tùy theo chức năng sử dụng để có sự lựa chọn, bài trí hợp lý nhất. Nếu tầng lửng làm phòng khách có thể bài trí nội thất thấp sàn hoặc bệt sàn kiểu Nhật vì chiều cao của không gian này chỉ dao động từ 2,2-2,5m nếu bố trí nội thất cao sẽ bị mất cân đối. Tương tự, nếu tầng lửng được sử dụng cho phòng làm việc, phòng ngủ cũng nên bài trí đơn giản, chủ yếu là tạo được sự thông thoáng.

  1. Không gian đa năng

   Thiết kế không gian đa năng đang là xu hướng được các nhà thiết kế và chủ nhà ưa chuộng. Khái niệm phòng đa chức năng dùng để chỉ một không gian phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như tiếp khách, ăn uống, thư giãn, giải trí, ngủ nghỉ,... Điều này nghe có vẻ bất tiện về mặt sinh hoạt nhưng nếu biết cách bài trí phù hợp thì ngôi nhà vẫn tạo được sự thoải mái nhất định. Phòng đa năng có thể tận dụng không gian cho phù hợp với mọi nhu cầu của chủ nhà. Những không gian có thể dễ dàng chuyển đổi thành phòng khác nhau, tạo ra những ý tưởng mới mẻ cho người sử dụng. Phòng đa năng do đó trở thành nơi trung hòa khí của nhiều đối tượng, lứa tuổi, giới tính khác nhau trong nhà, nếu nối được với các hành lang hoặc cầu thang thì rất tốt, tránh tình trạng xuyên qua phòng khác.

   Sự kết hợp giữa nhiều chức năng trong cùng một không gian sẽ khiến dễ liên tưởng tới cảm giác ngổn ngang đồ đạc, nội thất bởi mỗi một chức năng lại có những vật dụng cơ bản khác nhau, ví dụ nơi tiếp khách cần bàn trà, nơi ngủ cần giường và tủ kệ, không gian giải trí, thư viện cần ghế ngồi, nơi ăn uống và nấu nướng cần nhiều đồ dùng… Thế nhưng, điểm cốt yếu là thông qua cách lựa chọn nội thất, căn phòng khi đó sẽ không tạo cảm giác bừa bộn mà ngược lại, chính thiết kế “mở” sẽ mang đến cảm giác thoải mái, thân thiện và rộng rãi.

   (1) Phân chia không gian cho từng chức năng - trong một căn phòng khi kết hợp nhiều chức năng thì tất nhiên gia chủ phải cân nhắc phân chia không gian cụ thể cho từng vai trò sao cho hợp lý nhất, tuy nhiên, sự phân chia ở đây chỉ được giới hạn bằng cảm nhận. Tùy theo hiện trạng từng căn phòng để chia bố cục. Ví dụ, nơi tiếp khách chỉ cần một góc nhỏ khoảng 5m2 đủ đặt một bộ bàn ghế sofa nhỏ nên có thể đặt gần lối cửa ra vào hoặc gần cửa sổ để lấy ánh sáng. Dùng thảm trải sàn làm giải pháp phân chia không gian thay tường, khi đó cần chừa một khoảng trống xung quanh (khoảng 1m2) để tạo ra cảm giác về những ranh giới giữa các khu vực cũng như làm cho căn phòng được thoáng hơn.

   Bàn ăn, bếp nấu có thể đặt tách biệt theo ý muốn chủ quan nhưng tốt nhất nên bố trí liền kề nhau để tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Phòng ngủ nếu bố trí chung trong cùng một không gian nên thiết kế thêm một chiếc rèm mỏng phân ranh giới và cũng là cách đảm bảo sự riêng tư cần thiết.

   (2) Tạo sự cân bằng - vì nhiều đồ vật trong cùng một không gian nên cần có sự cân bằng để nâng cao tính thẩm mĩ. Bố cục không gian nếu được phân chia hợp lý đã là một yếu tố cân bằng không gian một cách hiệu quả, tuy nhiên tỉ lệ cao thấp, lớn nhỏ giữa đồ nội thất đóng vai trò thứ yếu nhằm tạo ra cái nhìn tổng thể hài hòa. Cụ thể là việc sắp xếp hai hoặc nhiều hơn các đồ vật nhỏ để tạo sự hài hòa với một đồ vật lớn hơn. Ví dụ như việc trong khu tiếp khách của căn phòng, hai chiếc ghế sofa được đặt đối diện với nhau trên một tấm thảm lớn sẽ tạo cho bạn cảm giác như đang ngồi trong một căn phòng rộng rãi, sáng sủa. Đồ đạc, nhất là bàn ăn và bàn uống nước, không nên dựa vào tường để tạo sự cân bằng cho không gian. Giữa những bộ bàn ghế này có thể ngăn cách bằng các tủ kệ thấp, phía trên có bày các chi tiết trang trí như lọ hoa, những khung ảnh nhỏ để không tạo cảm giác khiên cưỡng trong việc chia tách không gian.

   (3) Nội thất đa chức năng được ưu tiên hàng đầu - để tiết kiệm không gian, nên sử dụng những đồ nội thất có thêm một vài chức năng mới ngoài chức năng chính của chúng. Đơn giản như chiếc tủ dưới gầm giường kéo ra kéo vào hay nâng lên hạ xuống một cách dễ dàng đồng thời là một điểm nhấn. Đồ đạc như gối, chăn không nên chiếm nhiều diện tích trong không gian mà nên “ngay ngắn” trong tủ. Đặt TV màn hình phẳng, đầu chơi DVD ở vị trí trung tâm, các ngăn xung quanh là sách, trò chơi khiến cho việc lưu trữ trở nên gọn gàng và thuận lợi cho việc tìm kiếm. Thiết kế bàn gấp gắn vào mặt sau của giường, khi ngủ thì lật giường xuống, muốn làm việc thì gấp giường lên và kéo bàn mặt sau ra. Khi đi ra ngoài, để nhà gọn gàng có thể gập giường vào trong hốc. Bên trên hốc tưởng, tận dụng để đồ linh tinh. Ngoài ra, còn vô số những vật dụng, thiết bị đa năng “n trong 1” khác nữa được sử dụng để tiết kiệm không gian cho căn phòng.

   Trên đây là một số xu hướng tổ hợp không gian phổ biến trong nhà ở thấp tầng. Mỗi lựa chọn đều đảm bảo sự bài trí hợp lý, khoa học, đảm bảo công năng sử dụng tối ưu và vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ cao cho tổng thể không gian hài hòa. Đừng quên liên hệ với Milimet Vuông để luôn được hỗ trợ tư vấn mọi dịch vụ và giải đáp mọi thông tin một cách nhanh nhất nhé!

TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Bài viết liên quan